Từ năm 1975, cải lương được xem là hình thức giải trí ưa chuộng nhất của miền Nam. Vào thời hoàng kim, các nghệ sĩ cải lương không khác gì những ngôi sao hạng A, những minh tinh đình đám. Họ nhận được sự yêu mến và ngưỡng mộ từ khán giả mộ điệu gần xa.
Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1990, sân khấu cải lương bắt đầu thưa vắng khán giả, nhiều đoàn hát phải giải thể. Những suất diễn thưa thớt dần, không chỉ nhân viên hậu đài, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng vất vả tìm kế sinh nhai. Mãi đến nay, sân khấu cải lương vẫn thoi thóp tìm chỗ đứng cho mình giữa muôn vàn cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác. Những nghệ sĩ nổi tiếng, những ngôi sao một thời chỉ còn vài người trụ vững về kinh tế, có đời sống ổn định. Còn lại đa phần đều rơi vào tình trạng nghèo khổ, vất vả mưu sinh. Một thực trạng đau lòng là nhiều ngôi sao cải lương ngày nào nay phải làm đủ nghề nuôi thân.
Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân từng nổi danh trên sân khấu cải lương phía Nam. Bà nổi tiếng với vai diễn Bạch Thanh Nga trò nững vở Máu nhuộm sân chùa. Thời thế thay đổi, cải lương mất thị phần trong làng giải trí của người dân, bà phải nghỉ hát, bán ngô luộc, bánh chuối chiên nuôi gia đình. Sau khi cha mẹ qua đời, em trai lấy vợ và ở rể, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cùng em gái dắt díu nhau tới sống trong một căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 tại khu nhà trọ dành cho dân lao động tại Q.9, TP HCM. Ở tuổi 50, cô đào tài danh ngày nào phải sống bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai. Không chỉ thế bà còn mắc bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim và thấp khớp. Với khoản chưa tới 60.000 đồng/ngày, bà phải sống rất tằn tiện, không đủ tiền mua thuốc nên phải dùng vải bó chặt đầu gối để đi lại mỗi khi đau nhức.
Nghệ sĩ Phi Hùng cũng từng là kép chính của đoàn cải lương Hậu Giang, Tây Đô. Ông từng đứng chung sân khấu với bậc tiền bối Diệp Lang, Minh Cảnh... Đến năm 1991, ông đành phải từ bỏ ca hát để mưu sinh bằng đủ nghề khác nhau. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn chống nạng đi bán từng tờ vé lẻ, kiếm vài chục nghìn tiền lời để lo cho bản thân và người vợ đau ốm nằm nhà.
Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chọn công việc sơn móng dạo làm kế sinh nhai. Cách đây vài chục năm, bà từng là đào chính của các đoàn cải lương Việt Nam như Minh Vương, Tấn Tài, Hoa Đăng. Tên tuổi Hoa Mỹ Hạnh thời đó chỉ đứng sau Minh Vương, Lệ Thủy, Phương Bình... Bà từng nhận được sự ái mộ của biết bao khán giả. Vậy mà ngày nay lại rơi vào cảnh mưu sinh vất vả.
Không chỉ vất vả mưu sinh với bệnh tật trên người, nhiều nghệ sĩ tài danh một thời phải chọn cách vào viện dưỡng lão nghệ sĩ để có chỗ che mưa che nắng vì nhiều hoàn cảnh cơ cực khác nhau.
Nữ nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền từng là đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Bà nổi tiếng gần xa với vai Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào. Bà nổi tiếng với danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương". Hiện tại, bà bị bệnh tim, gai cột sống và thấp khớp, phải ngồi xe lăn. Bà và 10 người con cháu từng sống trong căn hộ chưa đầy 70 m2 mua hơn 20 năm trước. Để đỡ gánh nặng cho các con, bà quyết định vào viện dưỡng lão nghệ sĩ với số tiền trợ cấp ít ỏi. Thế nhưng, bà lại được gặp và chung sống với nhiều đồng nghiệp cùng thời trong những ngày về già. Đó cũng là chút an ủi cho người nghệ sĩ khi hào quang đã tắt.
Trường hợp của nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Thế cũng thế. Bà sinh năm 1945 tại TP HCM trong một gia đình có truyền thống ca cổ. Mới 7 tuổi, bà đã đóng vai đào con trên sân khấu. 16 tuổi, nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Bà được khán giả yêu mến qua nhiều vai chính của các vở tuồng: Tình sử A Nàng, Phàn Lê Huê giáo tử, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chung Vô Diệm, Bùi Thị Xuân... Vì lập gánh hát thất bại, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn tột cùng. Sau khi chồng bà là nghệ sĩ Bửu Truyện qua đời, bà vẫn đi hát các tỉnh lẻ để lo cho gia đình. Con trai và con dâu rất thương và lo lắng cho bà. Tuy nhiên, hiểu hoàn cảnh của các con khó thể nuôi và chăm sóc cho mình, bà quyết định vào viện dưỡng lão để đỡ phần nào cho các con mình.
No comments:
Post a Comment